Ga Hà Nội sẽ phát huy vai trò hết sức to lớn trong sự định hình và cầm trịch cho một không gian vận hành của các quá trình giao thông công cộng đa phương thức tỏa rộng từ nội đô liên thông…

 

GS.TSKH Lã Ngọc Khuê

 UBND TP Hà Nội đang xin ý kiến các Bộ, ngành về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận. Theo đó, ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại thành trung tâm vận tải đa phương thức và thương mại cao 40-70 tầng. GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.Ga Hà Nội là trung tâm vận tải đa phương thức hiện đại

Quan điểm của GS như thế nào về Đồ án quy hoạch ga Hà Nội mà UBND TP Hà Nội đang xin ý kiến các Bộ, ngành?

Lần đầu tiên Hà Nội chuẩn bị để tiến hành khởi động một dự án lớn cho việc phát triển giao thông kết hợp với việc tổ chức và xây dựng lại các khu dân cư thành một khu đô thị phức hợp văn minh và hiện đại, với kỳ vọng trở thành bộ mặt và biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội.

Việc xây dựng ga Hà Nội thành một trung tâm giao thông lớn đa phương thức như UBND TP Hà Nội đề xuất hoàn toàn phù hợp với những gì đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định tại các Quyết định 108/1998, 1259/2010 và Quyết định 519/2016. Với tinh thần đó, Ga Hà Nội sẽ được xây dựng để trở thành trung điểm hội lưu của các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) tỏa ra và kết nối trực thông với mạng lưới đường sắt quốc gia trên mọi hướng, đồng thời là đầu mối lớn của các tuyến xe buýt, taxi cùng với các bãi đỗ xe ngầm.

Do đó, ga Hà Nội sẽ phát huy vai trò hết sức to lớn trong sự định hình và cầm trịch cho một không gian vận hành của các quá trình giao thông công cộng đa phương thức tỏa rộng từ nội đô liên thông với các không gian liên vùng và quá cảnh. Chỉ có các quá trình giao thông công cộng liên thông với năng lực thông qua rất lớn, nhờ vào việc lấy giao thông đường sắt làm chủ đạo như vậy, mới đủ sức chuyển tải và thay thế được đa số các chuyến đi bằng phương tiện cá nhân không chỉ của người dân ở khu vực nội thành mà còn của hàng triệu người dân trên các địa bàn liên vùng khi cần đi và về từ trung tâm thành phố. Đây vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề để chúng ta tổ chức và thiết lập một trật tự cho các quá trình giao thông của Thủ đô gắn kết với toàn vùng. Sự vận hành mạng lưới giao thông liên vùng và đa phương thức này sẽ làm nên nhịp sống và phong thái đi lại văn minh, hiện đại của một thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội mà chúng ta phải nỗ lực kiến tạo. Chỉ có thế, giao thông đô thị của Hà Nội mới có thể phát triển đúng hướng và ngang tầm với các thành phố lớn trong vùng và trên thế giới.

Ưu tiên xây dựng các tuyến ĐSĐT qua đầu mối ga Hà Nội

Theo ông, để triển khai quy hoạch này, Hà Nội nên ưu tiên thực hiện như thế nào?

Nhân dịp này, tôi cũng xin được bày tỏ một số ý kiến sau đây: Thứ nhất, về nguyên tắc, chúng ta cần hiểu rằng để tạo điều kiện cho việc phát huy hết công suất của các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT), đồng thời cũng để tạo thuận lợi tối đa cho các hành khách đi tàu ĐSĐT khi cần chuyển tuyến hoặc nối tuyến, cho nên Quyết định 108/1998 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ ga Hà Nội phải là nơi hợp lưu của cả ba tuyến ĐSĐT là tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi, tuyến số 2A đi Hà Đông, tuyến số 3 đi Nhổn. Do khó khăn trong GPMB, nên ta để tuyến số 2A dừng lại ở Cát Linh. Nay với việc GPMB và tổ chức lại toàn bộ khu đô thị ở phía Đông Bắc đường Tôn Đức Thắng, nên chăng tìm cách cải tuyến để nối tuyến ĐSĐT số 2A về trung tâm Ga Hà Nội.

Thứ hai, nếu tuyến ĐSĐT số 3 chọn phố Trần Hưng Đạo làm ga chính, với công suất định mức 60.000 hành khách/1 giờ cho cả hai chiều đi và đến thì ít nhất trong một giờ sẽ có từ 15.000-20.000 hành khách đi và đến ở đây. Như vậy, giao thông trên phố Trần Hưng Đạo sẽ rất khó khăn và phức tạp. Mặt khác, khi hành khách cần chuyển tuyến sang các tuyến ĐSĐT khác cũng sẽ rất không thuận tiện, vất vả. Không những thế, quảng trường trước Cung văn hóa Hữu nghị thường là nơi tổ chức sự kiện, lễ hội và phát động phong trào… sẽ gặp những khó khăn, trở ngại. Vì vậy, ga ngầm của tuyến ĐSĐT số 3 nên ở ngay dưới khu vực trung tâm ga Hà Nội.

Thứ ba, việc xây dựng đồng bộ trung tâm trung chuyển giao thông và đô thị mới tại đây chắc sẽ phải kéo dài nhiều năm. Nhưng nhu cầu chống ùn tắc giao thông của Thủ đô thì lại rất cấp bách. Vì vậy, những thành phần dự án nào liên quan đến giao thông đô thị như: Xây dựng hoàn chỉnh ba tuyến ĐSĐT số 1, số 2A và số 3 cùng với các bãi xe buýt, taxi, các hầm ngầm đỗ xe… thì cần được tách ra và ưu tiên gấp rút triển khai trước để đáp ứng tình hình.

Cuối cùng xin đề nghị, đây là một dự án rất lớn, nên chăng thành phố cho đắp sa bàn và triển lãm để nhân dân có thể tiếp cận và bày tỏ nguyện vọng của mình.