Luôn cẩn trọng, lái xe điềm tĩnh trên địa hình đồi núi cho dù bạn có nhiều kinh nghiệm đến đâu đi chăng nữa bởi chỉ một lần chủ quan, bạn sẽ không có cơ hội làm lại lần thứ hai. Trong bài viết này, tác giả chia sẻ cho bạn những lưu ý cần thiết khi lái xe đường đồi núi.

Xem thêm: Một số kinh nghiệm lùi xe ra khỏi chuồng

Đường đồi núi, đặc biệt là vùng tây bắc rất hay có sương mù vào sáng sớm và chiều tối. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo các kỹ năng lái xe trong sương mù.

Trong hành trình gần 1000 km khám phá Tây Bắc giữa mùa cơm mới, chúng tôi đã gặp nhiều tình huống bất ngờ xảy ra trên đường. Thường gặp nhất là những chiếc xe máy cắt cua đi sang cả phần đường ngược chiều, trâu bò trẻ con chạy ngang sang đường, xe công nông tự chế hoạt động ban đêm mà không có đền còi hay phía sau mỗi khúc cua là một xe tải cỡ lớn đậu ven đường. Đường đồi núi luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, nhất là với những tài non chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì thế việc trang bị kỹ năng và luôn thận trọng là điều cần thiết cho mỗi chuyến đi an toàn.

kinh-nghiem-lai-xe-duong-deo-nui-1

Kiểm tra xe trước mỗi chuyến đi

Trước mỗi chuyến đi xa, bạn nên đưa xế hộp của mình tới gara uy tín để họ có thể kiểm tra, bảo dưỡng lại toàn bộ xe. Một số hạng mục đặc biệt cần quan tâm như: dầu phanh, má phanh, dầu động cơ, nước làm mát, nước rửa kính, áp suất lốp, gai lốp, lọc gió, lọc dầu động cơ, hệ thống treo, chiếu sáng, ắc quy…

Kỹ thuật ôm cua hạn chế văng xe

can-nam-vung-ky-thuay-lai-xe-o-to-tren-doi-nui

Để hành khách ngồi trên xe cảm thấy thư thái và thoải mái nhất trên đường đồi núi quanh co, yêu cầu người lái phải có kinh nghiệm khi cho xe vào và thoát các góc cua một cách an toàn nhất. Để làm được việc đó, lái xe cần có kinh nghiệm, phán đoán tình huống, nhận biết mặt đường, điều chỉnh tốc độ phù hợp, tận dụng tối đa phần đường dành cho mình. Cần nhận biết mức độ nguy hiểm của góc cua để giảm tốc độ phù hợp (lái xe nhiều sẽ tự cảm nhận được điều này) giúp cho việc ôm cua gọn gàng. Một kỹ năng quan trọng khi ôm cua giúp giảm tối đa khả năng bị văng và quật là “mở cua”. Có 2 tình huống là cua trái và cua phải nhưng một nguyên tắc chung cho cả hai đó là khi tầm nhìn bị hạn chế không được lấn sang phần đường đi của xe đi ngược chiều. Cần chú ý với những chướng ngại vật ở ngay sau góc cua bị khuất tầm nhìn.

Nếu góc cua thoáng, tầm nhìn tốt, các biển báo và vạch kẻ đường cho phép thì bạn có thể cắt cua nhưng nhớ là khi thoat cua xong thì cần trở lại ngay làn đường của mình. Với xe số sàn thì nên chuyển xuống số thấp hơn ở các góc cua một đoạn, tránh trường hợp chuyển số hoặc phanh khi đang vào giữa khúc cua có thể khiến xe bị mất kiểm soát.

Kỹ năng lên, xuống dốc

Nhiều tai nạn sảy ra ở các đoạn đường dốc do lái xe không làm chủ được tốc độ và kiểm soát được chiếc xe của mình. Chỉ một phút sơ sẩy khi lên xuống dốc có thể khiến bạn không còn cơ hội làm lại lần thứ hai. Khi lên dốc cao cần chú ý đi số phù hợp với tính năng kỹ thuật của từng loại xe (xe số sàn), với trọng tải của hành khách trên xe. Cần chú ý thao tác nhanh gọn khi giảm số để lên tiếp dốc, tránh kẹt số hoặc bị dừng lại ở số mo làm xe bị trôi tụt. Nếu nhiệt độ nước làm mát xe của bạn lên cao, cần tìm chỗ đỗ an toàn và nhớ không tắt máy xe mà để chạy không tải, không bao giờ mở nắp két nước khi còn nóng.

nhung_kinh_nghiem_khi_lai_o_to_duong_deo_nui_1-550

Thông thường bạn đi lên dốc bằng số nào thì xuống dốc cũng bằng số đó để tận dụng lực phanh hãm từ động cơ. Tuy nhiên, nguyên tắc này có thể được thay đổi tùy thực tế của con dốc và điều kiện mặt đường. Trên xe số tự động, bạn nên tận dụng chế độ số tay thường được ký hiệu là S, L, M, D1, D2, D3…hoặc sử dụng lẫy chuyển số trên vô lăng (nếu có). Trong trường hợp dốc quá cao, đường xấu, bạn có thể sử dụng tính năng hỗ trợ đổ đèo (kỹ hiệu chiếc xe với con dốc đi xuống). Không nên rà phanh liên tục vì có thể làm nóng má phanh quá mức gây mất phanh và sẽ rất nguy hiểm. Khi lên xuống dốc mà gặp đường trơn trượt, mặt đường nhiều bùn đất, người lái xe cần bình tĩnh xử lý, chạy xe ở tốc độ ổn định có thể kiếm soát được, không đánh lái gấp và bất ngờ, nếu qua đoạn ngập nước hãy giữ đều ga ở số thấp cho xe từ từ đi qua. Đường đồi núi vào mùa mưa tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất đá, quan sát nếu thấy dòng nước màu đục đỏ chảy ngang đường và đất đá nhỏ rơi nhiều trên đường cần đi chậm lại, nếu nguy hiểm hãy quay đầu lại.

Chú ý biển báo, vạch kẻ đường

Địa hình đồi núi tiềm ẩn nhiều bất ngờ, có nhiều biển báo là mới đối với những người chỉ quen tay lái xe trọng đô thị. Vì vậy bạn cần nắm chắc ký hiệu của các laoị biển báo giao thông đường bộ để biết tình hình đường sá phía trước. Thường gặp nhất trên địa hình đồi núi là biển báo cua “zic zac” liên tục, cảnh báo sạt lở, độ dốc, cảnh báo vực, trâu bò, trơn trượt….

Ví dụ nếu thấy biển cảnh báo độ dốc 10%, lái xe sẽ biết chuyển số và sử dụng ga phanh phù hợp để không bị mất đà, tuột dốc. Với những góc cua được kẻ vạch liền, không lấn đè vạch sang làn đối diện, trừ trường hợp bất khả kháng. Nên sử dụng đèn chạy ban ngày khi vận hành xe trên đèo dốc, khi có sương mù nên sử dụng đèn gần mà không dùng đèn chiếu xa. Trước mỗi góc cua khuất tầm nhìn, nên bấm còi và nháy đèn pha để thông báo cho các phương tiện khác. Chú ý quan sát gương cầu ở các góc cua để biết xe đối diện. Không bám sát xe phía trước, luôn giữ khoảng cách an toàn đề phòng trường hợp phanh gấp, nhường đường cho xe phía sau vượt nếu đảm bảo an toàn, xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc. Do địa hình dốc nên thời gian để vượt xe sẽ lâu hơn so với đường bằng, vì thế lái xe cần căn thời gian dôi ra khi vượt để đảm bảo an toàn.

Lưu ý khác

Trong điều kiện sương mù, hãy bật đèn chiếu gần, đèn sương mù. Nếu không có đèn sương mù hãy chuẩn bị một ít giấy nylon màu vàng/đỏ dán lên đèn chiếu sáng chính sẽ giúp bạn quan sát đường tốt hơn.

Nếu hành trình dài và chưa quen đường, hãy dừng nghỉ giữa chặng nhiều hơn. Chú ý uống nước đầy đủ để cơ thể tỉnh táo và đổ đầy nhiên liệu khi gặp trạm.

Nguồn: Trần Giáp